FDI ¹ đón xu hướng năng lượng tái tạo


Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng chính sách thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo của VN chưa hấp dẫn, nhưng vẫn có những nhà đầu tư cam kết rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực này để đón đầu cơ hội.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được nhiều nhà đầu tư FDI quan tâmLĩnh vực năng lượng tái tạo đang được nhiều nhà đầu tư FDI quan tâm

Tuần trước, Cty phát chuyên đầu tư vào năng lượng tái tạo của Ireland là Mainstream Renewable Power đã thông báo sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD vào ba dự án dự án điện gió tại Việt Nam, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này. Cả ba dự án sẽ có tổng công suất gộp lại là 940 MW.

2,2 tỷ USD và điều gì nữa…

Theo đó, Mainstream Renewable Power sẽ cùng với Cty Dịch vụ Tài chính Năng lượng GE (thuộc tập đoàn General Electric) sẽ mua cổ phần tại dự án điện gió Phú Cường thuộc Tập đoàn Phú Cường tại tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là bước đi đầu tiên trong thỏa thuận hợp tác giữa Mainstream và GE nhằm phát triển 1.000 MW điện gió tại Việt Nam đã được hai bên ký kết vào tháng Chín vừa qua.

Với tổng công suất 800 MW, dự án này sẽ tiêu tốn của Mainstream và GE khoảng 2 tỷ USD. Nhà đầu tư Ireland cho biết quá trình thu xếp tài chính cho giai đoạn đầu tiên của dự án điện gió Phú Cường này sẽ kết thúc vào năm 2018. Trong giai đoạn đầu, liên doanh nhà đầu tư sẽ lắp đặt các thiết bị có công suất từ 150-200 MW. Phần còn lại sẽ được lắp đặt trong năm giai đoạn tiếp theo.

Ngoài dự án Phú Cường tại Sóc Trăng ra, Mainstream sẽ đầu tư thêm hai dự án điện gió Thái Hòa và Thái Phong tại tỉnh Bình Thuận. Hai dự án kể trên có tổng công suất là 138 MW và vốn đầu tư vào khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, Mainstream không cho biết rõ thời gian cụ thể triển khai hai dự án này.

Thực tế thì đã có hàng chục nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào các dự án điện gió tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng số dự án được triển khai thì rất lẻ tẻ. Phần lớn các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý chờ đợi chưa muốn xây dựng dự án ngay.

Vẫn còn nhiều… e ngại

“Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định về năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện nay chưa có Luật cho ngành Năng lượng tái tạo để điều phối sự phát triển của ngành này”, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Ủy ban Ngành Tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham, lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn còn tâm lý e ngại khi đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã điều chỉnh lại Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII), nhưng ông Andreatta cho biết vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong cuộc khảo sát mới đây của EuroCham về khả năng đầu tư năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư Châu Âu ở Việt Nam, có gần 1/3 trong số các nhà đầu tư cho rằng Chính phủ cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo hơn nữa. Ngoài ra nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng có những rào cản khác về ưu đãi thuế chưa hợp lý và tự do hóa ngành điện.

Điều đó cho thấy trong mắt các nhà đầu tư Châu Âu, chính sách thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn như mong đợi. Vấn đề là vì sao họ vẫn cam kết rót tiền vào Việt Nam.

“Đầu tư vào Việt Nam rất phù hợp với mục tiêu phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn của chúng tôi tại những nền kinh tế tăng trưởng cao và có nhu cầu lớn về phát triển thế hệ năng lượng mới”, ông Andy Kinsella, Giám đốc điều hành của Mainstream, chia sẻ và cho biết rằng nếu xét về nhu cầu năng lượng và những yêu cầu khác, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Nam Á.

Nhận xét của ông Kinsella không sai. Tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cuối năm ngoái, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Một phần quan trọng trong thực hiện cam kết là giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng năng lượng hóa thạch và tăng nguồn cung năng lượng tái tạo.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài như Mainstream hay GE đều không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào đây. Hay nói cách khác, họ muốn đón đầu xu hướng mới và kế hoạch đầu tư 1.000 MW trong những năm tới là điều nằm trong tầm tay của những DN này.

Ninh Kiều / enternews.vn


FDI ¹: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI)

Tagged with: , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

 

Giải Thưởng - Chứng Nhận