Đầu tư điện năng lượng mặt trời: Chưa sáng như kỳ vọng


Mức giá mua điện năng lượng mặt trời được đề xuất thấp hơn kỳ vọng có thể sẽ cản trở một loạt các nhà đầu tư tư nhân huy động nguồn tài chính cho các dự án năng lượng mặt trời đã được đăng ký tại VN.

Pin năng lượng mặt trời mới thân thiện với người dân

Việt Nam được coi là nơi có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời rất lớn

Theo dự thảo về mức giá mua điện cho các dự án điện năng lượng mặt trời được Bộ Công thương đưa ra mới đây, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng mặt trời với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.352 đồng/kwh, tương đương 11,2 cents. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án điện năng lượng mặt trời nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% và quy mô công suất không quá 100mw.

Mức giá đề xuất trên đã cao hơn rất nhiều so với giá mua từ các dự án điện gió, hiện chỉ có 7,8 cents. Nhưng dù vậy, các nhà đầu tư vẫn cho rằng giá 11,2 cents là quá thấp, không đủ khuyến khích việc triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời.

Trong báo cáo được gửi đến Bộ Công thương và các cơ quan Chính phủ có liên quan tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cách đây hai tuần, nhóm các nhà đầu tư cho rằng nên có một mức giá hỗ trợ cho các dự án điện năng lượng mặt trời cao hơn 15 cents, và mức giá này cần phải được ấn định kéo dài 20 năm để thu hút các nhà đầu tư.

Với vị trí nằm gần với đường xích đạo, đặt biệt là khu vực phía nam quanh năm có ánh nắng mặt trời, VN được coi là nơi có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời rất lớn. Thực tế thì trong vài năm trở lại đây, khi thông tin về việc Chính phủ đang soạn thảo nghị định về cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời, một loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhanh chân nhảy vào lĩnh vực này, bằng cách đăng ký các dự án đầu tư. Đây được coi là bước đi đón đầu thời điểm giá mua điện năng lượng mặt trời được ấn định.

Đơn cử như cuối tháng 8/2015, dự án điện năng lượng mặt trời đầu tiên của Việt Nam đã được Cty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng Thiên Tân khởi công xây dựng tại Quảng Ngãi. Dự án có công suất 19,2mw, với tổng vốn đầu tư 826 tỷ đồng, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào năm 2016. Cùng với dự án trên, Thiên Tân cũng dự định đầu tư một dự án điện năng lượng mặt trời quy mô rất lớn tại Ninh Thuận. Dự án dự kiến có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, quy mô 1.000mw.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không chịu ngồi yên. Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) tháng 11 vừa qua đã đề xuất xây dựng một dự án điện năng lượng mặt trời quy mô lớn tại Thừa Thiên Huế. Dự án dự kiến có công suất 100 – 200mw, với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Ngoài Hanwha ra, một Cty khác của Hàn Quốc là Solar Park cũng đã tới Hà Tĩnh để đề xuất kế hoạch đầu tư một nhà máy điện năng lượng mặt trời có công suất 300mw tại tỉnh này. Theo ông Hom Nam Pyo – Phó chủ tịch Solar Park, Cty mong muốn biến dự án này thành một trong những dự án điện năng lượng mặt trời lớn trên thế giới, với tổng vốn đầu tư khoảng 550 – 600 triệu USD.

Các nhà đầu tư khác như Tata Power hay Cty TNHH Giải pháp năng lượng gió HBRE cũng đã bày tỏ ý định xây dựng các dự án điện năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận.

Theo các nhà đầu tư, năng lượng mặt trời sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giảm áp lực cung cấp điện trong giờ cao điểm tại VN từ 09:30 – 11:30 hàng ngày bằng cách thay đổi nhu cầu và cung cấp thêm điện cho lưới điện. Nhưng nếu so sánh, giá mua điện năng lượng mặt trời được đề xuất thậm chí lại thấp hơn cả giá mua điện từ các nhà máy thủy điện cỡ nhỏ

trong giờ cao điểm, đang ở mức 12,38 cents/kwh. Và mức giá này cũng còn thấp hơn giá mà EVN bán lẻ cho khách hàng dùng điện cao thế trong giờ cao điểm, trung bình là 14,4 cents/kwh.

Một trong những lý do lớn nhất khiến các nhà đầu tư kiến nghị giá mua phải cao hơn là chi phí đầu tư cho một dự án điện năng lượng mặt trời cao hơn thủy điện nhỏ rất nhiều. Hiện chi phí cho dự án thủy điện nhỏ đang ở mức khoảng 1 triệu USD/mw, nhưng với dự án điện năng lượng mặt trời, chi phí này ở mức 1,6 triệu USD/mw.

“Động thái của các nhà đầu tư tư nhân vào các nguồn năng lượng mới đang bị trì hoãn trong các cuộc đàm phán phức tạp và tốn thời gian. Khung pháp lý của Chính phủ vẫn là một rào cản, và các dự án được cấp phép thất bại trong việc thu hút các nguồn đầu tư” – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu chia sẻ.

Ngọc Linh / enternews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

 

Giải Thưởng - Chứng Nhận